Khu Công Nghệ Cao HCM

Tọa lạc tại cửa ngõ Đông Bắc của Thành phố Hồ Chí Minh, Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh (SHTP) được thành lập ngày 24/10/2002, là một trong ba Khu Công nghệ cao quốc gia do Chính phủ thành lập. Sau hơn 17 năm thành lập và phát triển, SHTP đã trở thành điểm đến đáng tin cậy về đầu tư công nghệ cao tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng như Việt Nam, tập trung vào 04 mũi nhọn gồm: (i)Vi điện tử - Công nghệ thông tin - Viễn thông; (ii)Cơ khí chính xác – Tự động hóa; (iii)Công nghệ sinh học áp dụng trong dược phẩm và môi trường; (iv)Năng lượng mới – Vật liệu mới – Công nghệ Nano.

Là một khu kinh tế - kỹ thuật được xây dựng và phát triển trên cơ sở công nghệ cao, SHTP có tính chất đặc biệt nhằm tập trung thu hút đầu tư nước ngoài, đồng thời huy động các nguồn lực trong nước về khoa học và công nghệ cao, hình thành một lực lượng sản xuất hiện đại, kết hợp có hiệu quả giữa sản xuất kinh doanh với nghiên cứu, tiếp thu, chuyển giao, phát triển công nghệ cao và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho công nghiệp công nghệ cao, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tạo động lực thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Khu CNC TP cũng đã nỗ lực triển khai các nhiệm vụ thực hiện sứ mệnh nhằm:
- Tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư nước ngoài về công nghệ cao: Khu Công nghệ cao cần được xây dựng như một địa điểm, một phương thức, một mô hình tốt nhất hiện nay, để thu hút các nhà đầu tư sản xuất công nghiệp công nghệ cao, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài.
- Hình thành một Trung tâm Quốc gia về công nghệ cao, hạt nhân động lực phát triển cho Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam: Xây dựng cơ sở liên kết sản xuất với nghiên cứu - phát triển để làm “điểm xúc tác” nhằm góp phần nâng cao năng lực công nghệ, nâng cao khả năng cạnh tranh kinh tế trên thị trường khu vực và quốc tế, đảm bảo cho sự phát triển nhanh và bền vững của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; Thúc đẩy quá trình chuyển giao khuếch tán công nghệ, đổi mới quy trình sản xuất công nghiệp cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là một thuận lợi lớn về địa lý - kinh tế của Khu Công nghệ cao, vì vùng này đã có truyền thống chuyển động về kinh tế - xã hội với đầu tàu là Thành phố Hồ Chí Minh.
- Liên kết viện nghiên cứu - đại học - doanh nghiệp, nhà KH&CN trong, ngoài nước phát triển công nghệ cao: Thu hút các viện nghiên cứu, các trường đại học trong và ngoài nước, tập hợp lực lượng trí thức KH&CN trong nước, trí thức Việt kiều và các nhà KH&CN nước ngoài có quan tâm tới Việt Nam, để nghiên cứu, sáng tạo và chuyển giao công nghệ cho sản xuất, ươm tạo các doanh nghiệp công nghệ cao.
- Đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao, góp phần tạo ra một lực lượng sản xuất mới có trình độ hiện đại làm hạt nhân cho nền công nghiệp Thành phố và khu vực phía Nam.
Đến nay, sau 17 năm hình thành và phát triển:
Về thu hút đầu tư: Tính đến hết tháng 4/2019, SHTP đã cấp chứng nhận đầu tư cho 156 dự án với tổng vốn đầu tư đạt khoảng 7,136 tỷ đô la Mỹ, trong đó có 73 dự án đã đi vào hoạt động ổn định với tổng giá trị xuất khẩu lũy kế đạt khoảng 45,456 tỷ USD, đóng góp khoảng 94% kim ngạch xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao của Thành phố Hồ Chí Minh. Điểm nhấn quy hoạch của SHTP là Khu Không gian khoa học, nơi dành riêng cho các hoạt động nghiên cứu phát triển – Đào tạo – Ươm tạo, điều này đã mang đến tác động tích cực cho việc phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao cũng như năng lực nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ tại Thành phố Hồ Chí Minh và Việt Nam.
Thống kê đầu tư theo quốc gia, vùng lãnh thổ cho thấy SHTP là điểm đến lý tưởng của nhiều dự án, tập đoàn công nghệ cao trên thế giới, trong đó có thể kể đến số lượng lớn các nhà đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia như: Tập đoàn Intel (Hoa Kỳ - 1,04 tỷ USD); Tập đoàn Nidec (Nhật Bản - 296 triệu USD); Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc – 2 tỷ USD), Tập đoàn Nipro (Nhật Bản – 300 triệu USD) … cùng khoảng 60% số lượng dự án từ các nhà đầu tư trong lĩnh vực sản xuất, nghiên cứu phát triển công nghệ cao.

Danh sách công ty tại Khu Công Nghệ Cao Hồ Chí Minh (SHTP)